Nhìn lại những dữ liệu liên quan đến Tether (USDT) trong tháng 5 này, chúng ta có những thấy những nghịch lý trái với suy luận thông thường của thị trường. Điều này ảnh hưởng ra sao?
Vốn hóa biến động trái ngược với khối lượng giao dịch
Thời điểm bài viết, vốn hóa USDT trở lại 83 tỷ USD. Đây là mức ngang bằng với giai đoạn Bitcoin lần đầu vượt 64,000 USD. Nhưng dữ liệu của Kaiko cho thấy khối lượng giao dịch không hề tương đồng với sự mở rộng vốn hóa.

- Nhìn lại nửa đầu năm 2021, khi thị trường uptrend, nhu cầu mua và giao dịch USDT tăng cao khiến cho vốn hóa và khối lượng tăng song song với nhau. Nhưng từ giữa 2021 trở đi, hai dữ liệu này đi hai hướng khác nhau. Vốn hóa càng tăng, khối lượng càng giảm.
- Giả định rằng, nghịch lý này là một tín hiệu “phân kỳ” của Tether. Nó thể hiện tâm lý nhà đầu tư có xu hướng “hold Tether” nhưng không hề muốn chi tiêu nó vì ngần ngại giá còn giảm. Tâm lý này khiến giá Crypto cứ tạo đáy mới dần dần trong suốt downtrend.
Một lý do khác ảnh hưởng không nhỏ đó là khủng hoảng USDC và BUSD đã khiến nhà đầu tư cơ cấu vốn sang USDT trú ẩn. Một lần nữa, nhìn lại 5 tháng đầu năm 2023 trên biểu đồ. Khối lượng USDT đã giảm dần từ tháng 3 và giá BTC đang mất dần động lực tăng. Dữ liệu này cũng là một lời cảnh báo với Bitcoin.
Tether đang được sử dụng bên ngoài thị trường Crypto
USDT gia tăng vốn hóa. Nhu cầu này không nhất thiết chỉ để dự trù mua Crypto. Tháng 5 này, Tether là một trong những doanh nghiệp Crypto hiếm hoi báo cáo kinh doanh có lời khủng và còn dành tiền để mua lại Bitcoin. Tether thành công vì USDT có thể sử dụng một cách “trơn tru” bên ngoài thị trường. Ngay cả khi đó là một nhu cầu bất hợp pháp.

Một điều tra gần đây của Elliptic cho thấy các công ty Trung Quốc đã bán hóa chất Fentanyl (giảm đau/gây mê) bằng Crypto. Trong đó, Bitcoin chiếm 66% và USDT chiếm gần 40% khối lượng thanh toán. Tổng giá trị không quá nhiều so với thị trường nhưng nó là phần nổi của tảng băng. Và điều này chứng minh rằng nhu cầu Tether không nhất thiết là để “đẩy giá Crypto”.