Từ dự án vui vẻ của một lập trình viên, Dogecoin đã trở thành đồng tiền ảo có giá trị tới 2 tỷ USD.
Đến tận bây giờ, sau khi Dogecoin đã tăng giá hàng chục lần và có thời điểm đạt tổng giá trị tới 2 tỷ USD, thì nó vẫn chỉ là một “trò đùa” với Jackson Palmer, người tạo ra đồng tiền kỹ thuật số này. Thậm chí Palmer và Billy Markus, người tạo ra đồng Dogecoin đầu tiên còn không sở hữu một đồng tiền nào.
Tất cả bắt đầu từ một câu nói đùa
Jackson Palmer thực sự đã đùa giỡn khi đăng dòng tweet vào cuối năm 2013. Đó là thời điểm tiền ảo đang trở thành cơn sốt khi giá một đồng Bitcoin vừa vượt mốc 1.000 USD và bắt đầu đi xuống. Cùng lúc đó, meme (biểu tượng vui) Doge với hình ảnh chú chó thuộc giống Shiba Inu và những cụm từ biểu cảm sai ngữ pháp cũng đang “càn quét” các diễn đàn mạng.
Palmer đã kết hợp cả hai yếu tố đó trong dòng tweet mang tính hài hước của anh: “Tôi đang đầu tư vào Dogecoin, chắc chắn nó sẽ là một bom tấn”.
Câu nói đùa đó đã thu hút sự chú ý của khá nhiều người, khiến cho Palmer quyết định tiếp tục trò đùa của anh. Anh mua lại tên miền dogecoin.com, và chế một bức ảnh với chú “doge” lên một đồng tiền. Trên trang web này, Palmer viết: nếu bạn muốn biến Dogecoin thành sự thật, hãy liên hệ với tôi.
Dòng tin nhắn này đã đến với người cần đọc nó, Billy Markus, một kỹ sư của IBM.
Markus lúc này vừa hoàn thành một dự án cá nhân anh thực hiện trong thời gian rảnh. Thế rồi Markus đọc được tin nhắn trên Dogecoin.com và rút lại quyết định trên.
Mất một buổi trưa để tạo ra Dogecoin
Thời gian đầu, Palmer không phản hồi đề nghị của Markus để tạo ra Dogecoin, nên Markus quyết định cứ làm trước.
“Tôi mất khoảng 3 giờ để biến Dogecoin từ một ý tưởng vui vẻ thành hiện thực. Thực sự là tạo ra một đồng tiền mã hóa mới chẳng có gì khó khăn”.
Markus thừa nhận có nhiều đoạn trong mã nguồn của bitcoin mà anh không hiểu để làm gì. Công việc cơ bản nhất là bấm tìm kiếm “Bitcoin”, và thay nó bằng “Dogecoin”. Dù vậy, Markus vẫn thay đổi một số thứ trong mã nguồn để phù hợp với Dogecoin: giới hạn 100 tỷ Dogecoin thay vì chỉ 21 triệu như Bitcoin. Anh cũng chỉnh sửa phông chữ, thay đổi hết những từ “đào” (mine) thành “bới đất” (dig).
Và thế là chỉ trong một buổi trưa, Markus đã tạo ra Dogecoin.
Trong giới tiền mã hóa, có một thuật ngữ gọi là premining. Đó là khi những người sáng lập “đào” tiền trước lúc công bố rộng rãi đồng tiền của mình. Gần như mọi đồng tiền được tạo ra một cách nghiêm túc đều có quá trình này.
Markus và Palmer thì không, vì họ không hề nghiêm túc khi tung ra Dogecoin. Palmer thậm chí còn không hiểu khái niệm “đào” tiền mã hóa.
“Lúc đó chúng tôi nghĩ đây lại là một trò đùa nữa và sẽ bị quên sớm thôi”, Palmer chia sẻ.
Markus, với cỗ máy tính chơi game của anh, đã trở thành người đầu tiên đào được Dogecoin. Nhưng do tính chất nâng độ khó lên liên tục, chỉ sau khoảng 5 phút chiếc máy tính này đã không còn đủ sức mạnh để đào tiền nữa. Tất cả số coin đào được trước đó, Markus chia một nửa cho Palmer. Tính theo giá hiện tại, mỗi người sở hữu lượng Dogecoin có giá trị 5.000 USD.
Từ đó, họ không sở hữu thêm một đồng Dogecoin nào nữa.
Phát triển như vũ bão
Dogecoin nổi tiếng rất nhanh. Nhiều diễn đàn xôn xao về đồng tiền này, trong đó Reddit có vai trò lớn nhất trong việc quảng bá Dogecoin. Mục bài viết về Dogecoin liên tục được mở rộng, cùng với đó là những dịch vụ đi kèm như mỏ đào (nhiều thiết bị cùng đào một block và nhận phần thưởng sau khi hoàn thành).
“Mọi thứ xảy ra với tốc độ ánh sáng. Chỉ sau vài phút, chúng tôi đã nói với nhau rằng thứ này đã hoàn toàn ra khỏi tầm kiểm soát của mình”, Markus kể lại về thời điểm đó.
Nhưng yếu tố làm Dogecoin bật hẳn lên lại là những con bot tặng tiền trên Reddit. Nếu một ai đó bình luận kiểu như “này dogebot, hãy tặng anh này 5 dogecoin”, người đó sẽ ngay lập tức nhận được 5 Dogecoin. Những người dùng Reddit gửi Dogecoin cho nhau như một cách giao lưu ít tốn kém.
“Tôi thích điều đó. Lúc đó thì Dogecoin chẳng có giá trị gì, nhưng nhận được 5 Dogecoin vẫn đem lại cảm giác thích thú hơn là được boa 2 cent thật”, Markus nói.
Nhờ được chia sẻ và trao đổi liên tục trên Reddit, lượng người dùng và sở hữu Dogecoin tăng mạnh dẫn đến giá trị của nó cũng tăng lên.
“Lúc đó hầu như ai dùng Reddit cũng có Dogecoin. Tôi nghĩ đó là yếu tố quyết định thành công của nó”, Palmer chia sẻ.
Markus cho biết anh và Palmer đều dị ứng với từ “đầu tư”. Cả hai đã ủng hộ hết số Dogecoin của mình cho những lần từ thiện. Họ đã giúp đào những giếng nước ở Kenya, quyên góp tiền để huấn luyện chó làm bạn với trẻ tự kỷ.
Chệch hướng đi và sự từ bỏ của những người sáng lập
Nhưng rồi khi Dogecoin càng phát triển thì càng đi lệch hướng với suy nghĩ của những nhà sáng lập. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến giá trị của đồng Dogecoin, và đầu tư vào nó theo đúng nghĩa đen. Điều này khiến Markus giật mình.
“Nếu người ta bỏ 10 USD ra mua Dogecoin thì chẳng sao. Nó giống như bạn mua một chiếc vé xem phim thôi, chỉ là để cho vui. Nhưng khi họ bỏ 20.000 USD để mua Dogecoin? Lúc ấy, tôi thực sự thấy khó chịu”.
Anh bắt đầu có những tranh cãi với các thành viên trong cộng đồng. Với Markus, Dogecoin vẫn chỉ là một đồng tiền mã hóa “cho những gã ngốc”, nhưng thực tế nó đã trở thành một loại tài sản đầu tư với nhiều người. Markus muốn giữ nguyên sự ngớ ngẩn của Dogecoin, nhưng phần lớn cộng đồng thì không nghĩ vậy.
Đó là lúc Markus quyết định từ bỏ.
“Lúc đó tôi nghĩ, okay, chuyện này thật là ngớ ngẩn. Tôi không muốn điều hành một thứ tà giáo”.
Sụp đổ vì Moolah
Moolah là sàn giao dịch Dogecoin do một người tự xưng Alex Green điều hành. Palmer gọi nó là “PayPal cho tiền mã hóa”, và hoạt động của Moolah đã khiến Palmer nghi ngờ ngay từ đầu. Alex Green chinh phục cộng đồng bằng cách gửi Dogecoin cho bất kỳ ai ủng hộ anh ta trên Reddit.
Markus, lúc này đã không còn đóng vai trò chính, đã lên tiếng về công ty này. Tuy nhiên, cộng đồng Dogecoin lại rất ủng hộ Moolah, đơn giản vì ai cũng thích có quà là những đồng tiền mà chẳng mất công sức gì. Chẳng mấy chốc, Moolah bắt đầu tuyển những thành viên quan trọng của cộng đồng Dogecoin vào các vị trí trong công ty.
Sau khi tạo dựng được niềm tin, công ty này đã kêu gọi vốn từ chính cộng đồng Dogecoin. Qua 3 vòng gọi vốn với lời hứa được sở hữu một phần của Moolah, Alex Green đã nhận được tới gần 500.000 USD đầu tư và đưa ra kế hoạch mua lại nền tảng giao dịch tiền kỹ thuật số Mintpal.
Chỉ 5 tháng sau, Moolah cho biết đã tiêu hết số tiền đầu tư, không thể kiếm nổi doanh thu, và tuyên bố phá sản.
Những nhà đầu tư của Moolah đã mất sạch số tiền của mình. Không chỉ lừa đảo trong vụ việc này, Alex Green, hay còn được biết với tên thật là Ryan Kennedy, còn dính vào một loạt vụ lừa đảo với kịch bản tương tự, thậm chí còn bị xét xử vì tội hiếp dâm. Kennedy hiện chịu bản án tù 11 năm tại Anh.
Nhà sáng lập Dogecoin nói gì về tiền mã hóa?
Chỉ vài tháng từ lúc Moolah tuyên bố phá sản, Palmer cũng dần rút khỏi cộng đồng Dogecoin và sau đó từ bỏ.
Sau vụ Moolah, Dogecoin không thực sự sụp đổ như nhiều người lo ngại. Giá của mỗi đồng tiền vẫn ở gần mức 0,002 USD trong suốt thời gian từ cuối năm 2014. Tuy nhiên đến cuối năm 2017, giá Dogecoin bỗng tăng vọt và đạt tổng giá trị lên tới trên 2 tỷ USD vào ngày 7/1. Tới thời điểm này, tổng giá trị Dogecoin giảm xuống còn khoảng 700 triệu USD.
Palmer cũng đã xuất hiện trở lại. Bên cạnh công việc ở Adobe, anh còn có một kênh YouTube với chủ đề tiền mã hóa. Palmer tự cho mình là một người nghi ngờ tiền kỹ thuật số.
“Tiền mã hóa chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nếu có, nó chỉ là một công cụ để mọi người nhớ rằng ta không thể nghiêm túc với tiền mã hóa. Tôi muốn mọi người nhìn lại Dogecoin và nhớ rằng một đồng tiền với biểu tượng là chú chó đã có giá tới nửa tỷ USD”.
Khi giá trị của Dogecoin đạt cột mốc 2 tỷ USD, Palmer tiếp tục lên tiếng về cơn sốt tiền mã hóa.
“Có một câu nói nổi tiếng ở thị trường tài chính: khi tài xế taxi cũng khuyên bạn mua cổ phiếu thì đó là lúc để bán đi. Câu nói đó có nghĩa là khi một người chẳng có chút kinh nghiệm nào về thị trường cổ phiếu cũng có thể đưa ra lời khuyên, đó là lúc thị trường đã trở nên quá thông dụng so với khả năng của nó.
Sau 2 năm rời khỏi thị trường tiền mã hóa, vào đầu năm 2017 một lái xe Uber đã nói chuyện với tôi về Ethereum và lúc đó tôi nhận ra chúng ta đang ở một thời kỳ bong bóng tiền kỹ thuật số”.
Palmer cũng chỉ ra trào lưu phát hành cổ phần bằng tiền mã hóa, hay ICO, đang trở thành xu hướng của năm 2017 có nhiều điểm giống những trò lừa đảo từ thời đầu của Dogecoin. Có những trường hợp như PlexCoin đã kêu gọi được tới 15 triệu USD trước khi tài sản của người sáng lập bị phong tỏa và ông này bị bắt đi tù.
Đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất là Bitcoin cũng chưa thuyết phục được Palmer, vì vẫn còn những giới hạn về mặt công nghệ, và giờ đây những nhà đầu tư hầu như chỉ quan tâm đến giá của nó chứ không để ý tới những mục đích ban đầu của Bitcoin. Và dù thị trường lạc quan, thì anh cho rằng 2017 chính là năm tệ nhất của những đồng tiền mã hóa, vì chúng đã không còn được coi trọng về mặt công nghệ mà đã trở thành một thị trường cổ phiếu mới.
Câu hỏi cuối cùng mà chính Palmer cũng không trả lời được: khi quả bong bóng này vỡ tan, liệu cộng đồng có còn động lực và năng lượng để tạo nên một công nghệ thực sự tân tiến nữa hay không?
Nguồn Zing
Theo dõi chúng tôi trên Facebook
Miễn trừ trách nhiệm: Tất cả nội dung trên website này đều vì mục đích cung cấp thông tin và không phải là lời khuyên đầu tư. Bạn đọc nên tự tiến hành nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Chúng tôi không chịu trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp, đối với bất kỳ thiệt hại hoặc mất mát nào phát sinh liên quan đến việc sử dụng hoặc dựa vào bất kỳ nội dung nào bạn đọc trên website này.